Nhật kí khám phá Lâm Thượng (Yên Bái) - nơi cực đẹp mà ít người biết

 1. Con đường tới Lâm Thượng 


Một ngày đẹp trời, tôi cùng một người bạn bắt đầu hành trình từ Vĩnh Phúc, hướng về vùng đất Lâm Thượng - một xã thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Xã có vị trí giáp với Hà Giang. Đây là điểm đến khá mới mẻ, chỉ vừa phát triển du lịch cộng đồng khoảng ba năm trở lại đây, nhưng đã thu hút sự tò mò và khám phá của nhiều du khách.

Có hai con đường chính để đến Lâm Thượng. Con đường thứ nhất đi qua thành phố Tuyên Quang, tiếp tục theo quốc lộ hướng về thành phố Hà Giang. Trên cung đường này, khi đến gần thành phố Hà Giang, bạn sẽ thấy một lối rẽ bên tay trái đi qua thị trấn Yên Thế, rồi vòng vào Lâm Thượng. Con đường thứ hai là qua Phú Thọ, tới thành phố Yên Bái, sau đó đi theo đường 70 nối giữa thành phố Yên Bái và huyện Lục Yên. Khi đến ngã ba Khánh Hòa, bạn rẽ phải vào thị trấn Yên Thế của Lục Yên. Từ đây, chỉ cần đi thêm khoảng 10 km nữa, bạn sẽ thấy có một con đường rẽ trái vào Lâm Thượng, với biển chỉ dẫn rất rõ ràng. Đi 10 km nữa, bạn sẽ tới nơi. 

Hành trình từ Vĩnh Phúc đến Lâm Thượng dài gần 200 km. Theo những chia sẻ từ các du khách trước, tuyến đường qua Tuyên Quang và Hà Giang ngắn và dễ đi hơn. Tuy nhiên, hôm đó chúng tôi lại chọn con đường qua Phú Thọ và thành phố Yên Bái, một cung đường bị sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng sau đợt bão Yagi. khi bắt đầu từ thành phố Yên Bái lên huyện Lục Yên, những tàn tích của trận sạt lở do bão Yagi hiện ra trước mắt khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đường xá vẫn ngổn ngang đất đá, nhiều đoạn đường hư hỏng nghiêm trọng. Chúng tôi còn bị lạc thêm 20 km lên huyện Bảo Yên của Lào Cai, nơi con đường ngập trong bùn lầy, làm cho việc di chuyển vô cùng khó khăn. Những hình ảnh này khiến chúng tôi vừa ngán ngẩm vừa thương cảm cho người dân địa phương, những người vẫn kiên trì bám trụ dù gặp muôn vàn khó khăn sau thiên tai.

Dù vậy, có nhiều điều thú vị khiến chúng tôi vẫn rất thích cung đường này. Đặc biệt là những vườn bưởi trĩu quả ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Màu vàng rực rỡ của bưởi nổi bật trên nền xanh của lá, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Đây là địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích chụp ảnh hoặc muốn thưởng thức những trái bưởi tươi ngon vào mùa thu. Điểm ấn tượng tiếp theo là cảnh đẹp ở hồ Thác Bà. Mặt hồ rộng mênh mông, đẹp như tranh vẽ, khiến chúng tôi như được bù đắp lại phần nào sự mệt mỏi trên con đường đầy bụi bặm. Chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi tại làng An Bình, một khu nghỉ dưỡng yên tĩnh với khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Khi rẽ vào Lâm Thượng, không gian trở nên thanh bình hơn, ít bụi đường và các loại xe tải ồn ào. Đường xá chủ yếu bằng bê tông song sạch sẽ, dễ đi. Cảnh sắc thiên nhiên yên tĩnh với rừng bạt ngàn, ruộng vườn, những dãy núi cao vút và nhà sàn của đồng bào Tày dần hiện ra, làm dịu mắt và giúp chúng tôi thư giãn sau hành trình dài. 


Nếu bạn đi xe khách thì có thể tham khảo các chuyến xe sau:

Cách đến Lâm Thượng từ Hà Nội, Sapa, Hà Giang. 

A. Từ Hà Nội: Đi xe giường nằm từ bến xe Mỹ Đình hoặc Gia Lâm, giá vé 220k (giá năm 2024). Đến trước 15 phút nhé, xe chạy đúng giờ. Từ Hà Nội - Lục Yên là 5 tiếng chạy xe, dừng nghỉ 1 điểm trên cao tốc. Khi đặt chỗ báo họ đến Xới Homestay ở Lâm Thượng họ sẽ sắp xe trung chuyển miễn phí đến tận nhà (trừ 2 chuyến không hỗ trợ) Gọi tổng đài giữ chỗ sớm nhé. 

1. Từ bến xe Mỹ Đình

Có 2 nhà xe là Du Tuyết (19001986) và Hùng Hưng (19004400) các giờ: 7:00, 12:00, 15:00, 18:30, 19:50. Xe nằm ở ô số 37-38 trong bến xe. 

2. Từ bến xe Gia Lâm

Xe Hùng Hưng (1900440) các chuyến 6:20, 9:45, 16:00, 19:00. 

-Nếu muốn đi xe riêng liên hệ Taxi Lâm Thượng  0976270890- 0375014045 - 0984390943 - 0348665556

***

- Từ Sapa - Lục Yên (130km) Xe Huấn Nguyệt đón lúc 14h15 0965318345 hoặc đi từ tp Lào Cai (chuyến buổi sáng) 

***

- Từ Hà Giang - Lục Yên (120km) Xe Cường Thạch đón 6h sáng từ bx Hà Giang 0338198261. 

***

Xe khách chiều từ Lục Yên về Hà Nội: 6:30, 10:00, 12:00, 12:30, 13:30, 17:30, 20:30, 21:00.

Lâm Thượng tuy vẫn là một điểm đến mới mẻ, nhưng hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và nhiều điều khám phá.

2. Cuộc sống ở Lâm Thượng 

Trước khi tới đây, tôi đã được một người bạn review những điểm khá tốt về nơi đây. Khi tới Lâm Thượng, tôi hoàn toàn đồng ý với review của bạn. Ngay ngày đầu tiên lái xe qua bản, tôi đã bất ngờ. Những ngày sau, tôi đều dành thời gian đi, chạy bộ trên các con đường để ngắm cảnh. Đồng thời, ăn ngủ cùng đồng bào người Tày. 30 ngày là 30 hương vị khác nhau. Tôi xin chia sẻ lại cảm nhận chân thực về cuộc sống ở Lâm Thượng sau thời gian đó. 

Lối sống sạch sẽ, coi trọng bảo vệ môi trường 

🏞️ Vừa vào xã, quang cảnh trở nên sạch đẹp, quy củ, khác hẳn với bên ngoài. Có thể ví như bạn vừa từ một nhà kho bước vào resort vậy. Những ngôi nhà sàn to đẹp nằm hài hòa giữa cây lá xanh mát. Đằng sau là nền núi cao vút, nhấp nhô. Nhà nào cũng sạch sẽ, gọn gàng và vẫn giữ được bản sắc của người Tày. Khác với nhiều bản làng người Tày tôi đã qua, ở đây người dân giữ đường xá, nhà cửa sạch bong. Dù mới qua trận lụt song không thấy rác ở đường. Cứt trâu bò hiếm gặp. Đặc biệt, không có mùi chuồng lợn, vì người dân không nuôi lợn. Chứng tỏ ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan ở đây rất tốt. Cảm tưởng nhà nào cũng có thể trở thành homestay. Hoa lá được trồng nơi nơi. Về sau, nói chuyện với người dân, tôi mới được biết: ông cha của người Tày ở đây đã đấu tranh quyết liệt, chấp nhận đổ máu để bảo vệ rừng núi nơi này. Họ không cho phép khai thác đá. Nếu làm vậy, cảnh quan núi đá và rừng cây sẽ tan nát, lũ quét sẽ tràn về và đường xá lại sặc mùi khói bụi. Tôi còn bất ngờ vì thỉnh thoảng thấy có thùng rác công cộng ghi: nơi để vỏ bao bì các hóa chất. Chứng tỏ người dân có ý thức thu gom các hóa chất thuốc trừ sâu để bảo vệ môi trường, không cho vứt bừa bãi nhiều nơi khác. Những khu có đoạn rừng đều được chi trả phí dịch vụ môi trường và được thôn của nơi đó bảo vệ nghiêm ngặt. Ví dụ như rừng khu vực thôn Nặm Chắn. 




Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc 

🏡 Các ngôi nhà sàn kiến trúc đặc biệt. Ít có nhà sàn nào của người Tày lại xây to như thế. Diện tích phải trên 100 m2. Nhìn từ ngoài trông như lâu đài xinh xắn bằng gỗ. Bước lên tầng 2 thì chao ôi, một không gian rộng mênh mông như sân bóng rổ. Người Tày ngủ dậy là xếp đệm gọn vào góc nhà. Tủ, giường, bàn ghế hầu như không có. Không gian tối giản, thoáng đãng. Đã vậy, nhà lại nhiều cửa sổ liên tiếp nhau. Các cửa luôn được mở đón khí trời. Cảm tưởng con người và thiên nhiên hòa làm một. Cái nhà như cái tổ chim bé nhỏ trên cây cổ thụ của mẹ thiên nhiên. 

👨‍👩‍👧 Dân ở xã chủ yếu là người Tày. Có một số ít người Dao sống ở núi cao. May mắn là người Tày ở đây biết bảo ban nhau giữ bản sắc văn hóa của mình. Tới đây, tôi bất ngờ khi thấy các gia đình vẫn còn bếp củi trong nhà sàn, vẫn nấu cơm nồi gang, lót nồi bằng rế và xúc cơm bằng đũa cả. Ngoài bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống, họ còn giữ được ngôn ngữ, các lễ hội, các món ăn của người Tày. 




Con người đoàn kết, thân thiện, hiền lành 

Con người ở đây rất dễ thương và vô cùng đoàn kết. Hầu như chẳng thấy nhà nào có sự vụ tranh cãi. Mọi người trong làng xóm đều giúp đỡ nhau. Hôm mình tới đã được cùng chị chủ homestay tham gia vào buổi kéo cọ cùng dân làng. Thì ra trước khi nhà nào xây thì đều nhờ mọi người trong thôn bản tới giúp dùm. Người thì chặt cọ, người thì kéo cọ để lợp mái nhà, người thì tiện gỗ dựng nhà. Không khí vui vẻ tấp nập như đi hội. Vì thế, ở đây, ai cũng biết nhau. Người này giúp người kia. Tình cố kết này đã diễn ra từ rất lâu. Những ai muốn đến đây sống thì cũng phải nhập gia tùy tục chan hòa cùng với mọi người.

Tới ngay vật nuôi trong nhà cũng dễ thương. Hầu như chả thấy chú cún nào hung dữ sủa khách đi đường. Gà vịt, trâu bò đều ung dung, nhàn nhã giữa thiên nhiên. Trông mà sung sướng. 


Làm măng là nghề đặc trưng của Lâm Thượng 

Đặc sản nơi này là măng. Đủ các loại: măng vầu, măng tre,...Măng ăn ngon ngọt. Xã hình thành cả làng chuyên làm măng. Bữa ăn đầu tiên thử món măng, mình không tin vào vị giác: măng tươi gì ngọt vậy, cho mì chính chăng. Đúng là quen khổ rồi, giờ được ăn sướng tí là cứ nghi ngờ 🤣. Tới ngay gạo nếp, người dân cũng ưa cho vào ống tre nứa để nấu. Xưa thì nấu bằng cách nướng ủ nên món này gọi là cơm lam. Giờ người dân cho vào nồi luộc lên, tầm 1h30 - 2h là ăn được. 

Dịch vụ tối giản

Giống như tất cả các thôn bản miền núi, Lâm Thượng rất ít hàng quán, từ tạp hóa tới quán ăn. Chợ cũng vắng hoe. Không có cơm bình dân. Các quán phở bún chỉ mở sáng. Do vậy, các bạn nên đặt cơm ăn cùng homestay. Hoặc nếu muốn nấu nướng thì phải dậy sớm đi chợ. Đồ ăn cũng không rẻ, do người dân phải vận chuyển vào. Các dịch vụ giải trí hầu như không có. Dọc đường tôi thấy có 1 quán bi-a, một quán cafe tên Tày coffee, lác đác vài quán cắt tóc.

3. Khí hậu ở Lâm Thượng 



⛰ Lâm Thượng là một xã vùng cao thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái do vậy khí hậu mát mẻ hơn một chút so với các khu vực đồng bằng. Tuy nhiên, vẫn có một số đặc điểm khí hậu mà du khách cần lưu ý khi đến đây. Vì nằm ở thung lũng, xung quanh lại nhiều hồ ao suối thác nên độ ẩm cao, không gian hay lãng đãng khói sương. Quần áo phơi hay có cảm giác ẩm ẩm chưa khô. Cây cối lại nhiều nên muỗi, dĩn và rắn nước là những con vật không thể tránh khỏi, nhất là mùa hè. Tới đây, mình phải luôn luôn bôi dầu gió khi ra ngoài và mắc màn khi ngủ.

🌄 Vào mùa hè, nhiệt độ tại Lâm Thượng có thể lên tới 37-38 độ C, khá cao và gây oi bức, đặc biệt là trong các thung lũng được bao quanh bởi núi, nơi hầu như không có gió. Dù vậy, nhờ hệ thống ao hồ và thác nước phong phú xung quanh làng, độ ẩm ở đây khá cao, mang đến cảm giác dễ chịu hơn. Du khách có thể tận dụng cơ hội để tắm thác hoặc bơi ở các ao hồ trong xã, những nơi được phép tham quan và vui chơi. Về đêm, nhiệt độ ở Lâm Thượng giảm nhanh, kể cả trong mùa hè, người dân và du khách vẫn cần phải đắp chăn để giữ ấm.

 🗻 Mùa đông, Lâm Thượng chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc như các tỉnh miền Bắc khác, nhưng do địa thế nằm trong thung lũng nên gió thổi nhẹ hơn và thời tiết không quá khắc nghiệt. Điều này khiến mùa đông tại đây không lạnh đến mức khó chịu, tạo cảm giác dễ chịu cho người dân cũng như du khách.

🌼 Mùa thu tại Lâm Thượng, bắt đầu từ cuối tháng 9, là thời điểm lý tưởng nhất để tham quan và khám phá nơi đây. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu cùng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, mang đến cho du khách trải nghiệm khó quên. Song oi vẫn là đặc sản nơi đây. Những ngày đầu ở đây, chúng tôi thi nhau đặt câu hỏi: Sao nóng thế nhỉ? Bây giờ thì hiểu rồi: tất cả là do oi.

4. Trải nghiệm các homestay ở Lâm Thượng 

Lâm Thượng có nhiều homestay đa dạng, mang lại cho du khách nhiều sự lựa chọn. Bạn có thể chọn những homestay hiện đại với điều hòa đầy đủ, hoặc trải nghiệm các homestay dân dã, gần gũi với thiên nhiên. Dù tên gọi và phong cách khác nhau, các homestay ở đây đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau. 

4.1. Những ngày yên ả ở Dũng Phiêu Homestay 

Chuyến đi đến Dũng Phiêu Homestay đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm khó quên. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến một homestay nằm ở vùng quê yên bình, và điều bất ngờ là Dũng Phiêu Homestay chính là nơi đầu tiên phản hồi tin nhắn của tôi khi tìm kiếm một điểm dừng chân tại Lâm Thượng, Yên Bái.

🏞️ Không gian thoáng rộng, yên tĩnh 

Ban đầu, tôi chỉ nghe những lời giới thiệu từ người dân địa phương và xem qua một vài hình ảnh, nhưng khi đến nơi, tôi thực sự bị ấn tượng bởi vẻ đẹp vượt xa sự mong đợi. Không gian ở đây vô cùng thoáng đãng và rộng rãi, được bao quanh bởi những ao hồ tĩnh lặng. Một số hồ được thiết kế để làm đẹp, một số khác lại dành cho bơi lội hoặc nuôi cá, và xen kẽ là những khu vườn trồng hoa, rau xanh mướt và cây cối rợp bóng. Ngôi nhà sàn ở giữa như lọt thỏm trong không gian xanh mát của cây cối, núi non và hồ nước. Đặc biệt, hiên nhà rộng rãi, thoáng mát, hiếm có ở những ngôi nhà sàn khác, khiến tôi có cảm giác như bước vào một khu nghỉ dưỡng cao cấp hơn là một homestay. 

Chủ nhà không chỉ quản lý homestay mà còn có không gian riêng để cắm trại và đất đai còn rất nhiều chưa được khai thác hết. Ngoài ra, còn có một khu vực nhỏ dành cho quán ăn và cửa hàng tạp hóa phục vụ du khách. Điều khiến tôi ngạc nhiên là dù có nhiều công việc và diện tích đất rộng lớn như vậy, anh chị chủ vẫn quản lý mọi thứ một cách gọn gàng và ngăn nắp.

Ở Dũng Phiêu Homestay, bạn có thể chọn nghỉ tại nhà sàn tập thể hoặc các bungalow nhỏ xinh làm từ tre nứa. Tôi đã chọn một bungalow nhỏ, đơn sơ nhưng rất thoáng đãng, thích hợp cho những ai yêu thích phong cách gần gũi với thiên nhiên.  Chắc chắn đây sẽ là lựa chọn làm cho các bạn nước ngoài rất thích thú. Còn với người Việt thì có một chút e ngại bởi vì vào mùa hè sẽ rất nóng không thể dùng được điều hòa. Anh chị bảo sẽ cải tạo lại bungalow một chút và sẽ xây thêm một số ngôi nhà bằng đá nhưng vẫn giữ nguyên phong cách mộc mạc, không dùng điều hòa để mọi người nên trải nghiệm một cuộc sống khác gần gũi thiên nhiên. 

Ngày đầu tiên lên đây, mình đã gần như bị lạc trong một chốn tiên cảnh, toàn hoa toàn mùi thơm của hoa: hoa sữa, hoa nhài, hoa hồng. Tất cả mọi thứ đang quyện với nhau. Về đêm, hoa sữa càng nồng nàn. Không gian yên tĩnh, chỉ nghe tiếng dế. Và ngay trước mặt ngôi nhà là một không gian rộng lớn mênh mông. Đằng xa, mặt ao in bóng ánh trăng lấp lánh. Mây vờn trên đỉnh núi. Sao trời thỉnh thoảng lại nháy tia. Không gian rộng lớn bao la ấy làm cho mình suy nghĩ: tại sao con người lại cứ cố bon chen ở thành phố làm gì trong khi xuống thôn quê này cảnh đẹp nhiều vô cùng. Những khung cảnh thực sự là đem đến những giây phút tĩnh tâm cho tâm hồn, cho con người thêm yêu cuộc đời và yêu thiên nhiên hơn. 


🤗 Gia đình thân thiện 

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với anh chủ diễn ra trong một tình huống đặc biệt. Theo chỉ dẫn của Google Maps, tôi đã đi lạc vào một con đường núi hẻo lánh. Đường vắng vẻ, không một bóng người, làm tôi lo lắng. Nhưng may mắn thay, anh chủ đã tình cờ đi ngang và đưa tôi về homestay. Đây là một kỷ niệm khó quên và cũng là một lời cảnh báo cho những ai lần đầu đến Lâm Thượng, vì định vị trên Google Maps không chính xác, dễ gây nhầm lẫn.

Đến nơi, tôi được chào đón với một món ăn đặc sản độc đáo của vùng cao – món xổ. Quả xổ được cắt ra và trộn với muối ớt, tạo nên một hương vị mới lạ và đầy sức hấp dẫn. 

Ban đầu, tôi chỉ định ở lại hai đêm, nhưng không gian yên bình và cảnh đẹp hoang sơ ở đây đã níu chân tôi lâu hơn dự định. Một trong những yếu tố khiến tôi quyết định ở lại thêm chính là sự thân thiện và hiếu khách của gia đình anh chị chủ. Dù anh chị khá bận rộn và ít khi có mặt ở nhà, nhưng mỗi khi về, họ luôn quan tâm, hỏi han rất chu đáo. Các thành viên trong gia đình cũng rất dễ mến, đặc biệt là bà – người phụ nữ ít nói nhưng rất hiền hậu, và hai cậu con trai vui vẻ, năng động.

Ngày thứ hai, cậu con trai cả đã dẫn chúng tôi đi trekking núi Tùng Lăm. Đây là một ngọn núi khá cao, nhưng khi leo lên đến đỉnh, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một thảo nguyên rộng lớn, mênh mông với cảnh sắc hùng vĩ. Trong suốt hành trình, cậu ấy đã giới thiệu cho chúng tôi nhiều điều thú vị về thiên nhiên nơi đây, từ việc hái rau rừng, lấy con đuông tre, đến cách nấu cơm trong rừng – những trải nghiệm đặc sắc của người miền núi.

Thời gian ở Dũng Phiêu Homestay cũng cho tôi cơ hội thưởng thức nhiều món ăn ngon do chính tay chị chủ nấu. Chị là một đầu bếp tài hoa, và nhà hàng của chị khá đông khách, không chỉ bởi tay nghề nấu ăn của chị mà còn vì vị trí thuận lợi gần thác Nặm Chắn – một điểm đến nổi tiếng của khách du lịch. Khu vực ăn uống tại homestay được trang trí tinh tế với nhiều góc "chill" từ bàn ghế tre, đá đến những sạp treo sạch sẽ. Tôi đặc biệt ấn tượng với món măng – một đặc sản của vùng Lâm Thượng. Măng ở đây ngọt, không đắng như ở những nơi khác, và được chế biến thành nhiều món ăn ngon lành.

🎋 Đậm bản sắc dân tộc 

Dũng Phiêu Homestay còn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Tày ở Lâm Thượng. Từ cách sử dụng tre, nứa trong các vật dụng sinh hoạt đến việc chế biến các món ăn, tất cả đều toát lên hương vị của vùng đất. Đây là một vùng đất có đặc sản tre. Tre đã tham gia rất nhiều vào trong đời sống. Tới đây là bạn sẽ được tìm hiểu về đúng văn hóa của Việt Nam thời xưa - văn hóa tre nứa. 

🥰 Kết

Những ngày ở Dũng Phiêu Homestay không chỉ mang đến cho tôi những phút giây thư giãn yên bình mà còn mở ra cho tôi một góc nhìn mới về cuộc sống. Nhìn ánh trăng lấp lánh trên mặt hồ, mây vờn trên đỉnh núi, tôi nhận ra rằng, đôi khi, cuộc sống chỉ cần những khoảnh khắc bình dị như vậy để ta tìm thấy sự an yên trong tâm hồn.

Dũng Phiêu Homestay không chỉ là một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, mà còn là nơi bạn có thể tận hưởng những ngày tháng yên tĩnh, tách biệt khỏi nhịp sống hối hả của đô thị. Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi để "tạm dừng" và kết nối lại với chính mình, Dũng Phiêu Homestay chính là nơi dành cho bạn.

4.2. Trải nghiệm sự chuyên nghiệp của Xới Farmstay 

🏘️ Dịch vụ rất chuyên nghiệp 

Xới Farmstay tại Lâm Thượng, Lục Yên, Yên Bái là một điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Sau hơn 7 năm hoạt động, Xới Farmstay đã tạo dựng được danh tiếng vững chắc nhờ chất lượng dịch vụ vượt trội và sự chuyên nghiệp trong quản lý. Nơi đây thu hút lượng khách nước ngoài ổn định nhờ vào cơ sở vật chất đẹp, sạch sẽ và kiến trúc mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày nhưng vẫn rất hiện đại. Các bungalow hướng ra suối và vườn cây xung quanh tạo nên một không gian yên bình và gần gũi với thiên nhiên, khiến du khách có thể thư giãn hoàn toàn. Khu bếp của farmstay vừa phục vụ các món ăn truyền thống của người Tày vừa pha trộn với hương vị ẩm thực người Kinh, mang đến sự đa dạng trong lựa chọn món ăn. Xới Farmstay cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ lưu trú, ăn uống, tắm thuốc, tổ chức tour du lịch, bán đồ lưu niệm cho đến cho thuê xe, giúp du khách trải nghiệm trọn vẹn mà không cần phải đi đâu xa. Ngoài ra, nơi đây còn có rất nhiều góc chụp ảnh đẹp, phù hợp với những ai yêu thích nhiếp ảnh hoặc ghi lại khoảnh khắc đẹp bên thiên nhiên. Chủ farmstay, Xới, là một người rất tâm huyết với du lịch. Em đã học qua du lịch, thông thạo tiếng Anh và có kiến thức sâu rộng về xây dựng, quản lý một farmstay. Điều đặc biệt là Xới không chỉ mong muốn phát triển riêng farmstay của mình mà còn ấp ủ kế hoạch biến Lâm Thượng thành một làng du lịch, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của làng bản.





🚵‍♀️ Vị trí thuận tiện 

Xới Farmstay nằm ở một vị trí thuận tiện, rất dễ tìm kiếm và gần nhiều điểm dịch vụ thiết yếu như trường học, quán ăn, cafe, và các cửa hàng tạp hóa. Quanh farm có con đường quanh bản làng rất đẹp, có thể đi dạo hoặc đạp xe ngắm cảnh. Điều này tạo thuận lợi cho du khách khi cần mua sắm hoặc trải nghiệm các dịch vụ trong khu vực. Tuy nhiên, một nhược điểm nhỏ là farmstay nằm gần trường học và một xưởng sản xuất, khiến không gian ở đây có thể hơi ồn ào vào những thời điểm học sinh ra chơi hoặc khi xưởng hoạt động. Dù vậy, sự tiện lợi về giao thông và dịch vụ vẫn là một điểm cộng lớn cho farmstay này.


👨‍👨‍👧‍👦 Những con người bình dị

Một trong những điều đáng quý nhất khi ở Xới Farmstay chính là tình cảm gia đình bình dị của người dân nơi đây. Gia đình Xới, từ bố mẹ đến anh chị em, luôn sống trong không khí yêu thương và đầm ấm. Dù bận rộn với công việc phục vụ du khách, nhưng vợ chồng bác chủ (bố mẹ Xới) vẫn luôn dành thời gian rủ nhau đi chơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Vợ chồng em trai Xới vẫn nói chuyện với nhau tình cảm, gần gũi như thời mới yêu. Đặc biệt, vào mùa gặt, cả gia đình cùng ra đồng, làm việc chung và chia sẻ từng miếng bánh mì, chai nước giản dị nhưng đầy ấm áp. Điều này không chỉ khiến tôi cảm nhận được sự chân thật, gần gũi của người dân mà còn khiến tôi thấy rằng, dù họ đang làm du lịch, nhưng không hề mất đi những giá trị truyền thống của gia đình và văn hóa bản địa.

🦂 Một kỉ niệm khó quên

Một kỷ niệm khó quên trong chuyến đi của tôi là đêm đầu tiên ở Xới Farmstay. Khi đang ngủ, tôi cảm thấy có điều gì đó nhói đau ở người và sau vài lần kiểm tra, tôi phát hiện ra mình bị một con rết nhỏ cắn. Mặc dù đó chỉ là một con rết nhỏ và không gây nguy hiểm, nhưng Xới đã rất chu đáo khi bôi thuốc cho tôi, thay toàn bộ chăn ga gối và dặn tôi nên mắc màn khi ngủ để tránh côn trùng. Hóa ra, nhà lợp mái cọ của người Tày là nơi dễ dàng trở thành chỗ trú ngụ của nhiều loài côn trùng như rết, rắn hay chuột. Điều này khiến cho việc dọn dẹp nhà cửa trở thành một công việc phải làm thường xuyên trong ngày. Dù đây là một nhược điểm của nhà mái cọ, Xới đã nỗ lực khắc phục bằng cách thêm trần nhà cho các bungalow. Những trần nhà này được làm từ tre nứa đã được xử lý chống mối mọt và có lớp lót nilon để ngăn chặn côn trùng. Điều này không chỉ giúp giữ vệ sinh mà còn mang lại cảm giác thoải mái, an toàn hơn cho du khách.


👍 Kết

Xới Farmstay thực sự là một điểm đến lý tưởng, nơi mà du khách không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn mà còn có cơ hội trải nghiệm sâu sắc văn hóa Tày truyền thống, với sự chu đáo, tận tình của gia đình chủ nhà. Tôi tin rằng, với tầm nhìn và nỗ lực của Xới, Lâm Thượng sẽ trở thành một làng du lịch văn hóa đặc sắc, bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa của người Tày trong tương lai.

4.3. Trải nghiệm sắc màu hiện đại của Jack Ecolodge

Sau một thời gian sống ở Lâm Thượng, giữa thiên nhiên hoang sơ và cuộc sống bình dị của người dân bản địa, tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà. Không rõ là nhớ điều gì cụ thể, chỉ biết rằng lòng cứ bồi hồi và khát khao tìm về sự tiện nghi, thoải mái như khi ở giữa phố phường hiện đại. Khi đặt chân đến Jack Ecolodge, tôi mới nhận ra, thứ mình nhớ chính là sự tiện nghi và hiện đại của cuộc sống thành thị, những trải nghiệm thư giãn nhẹ nhàng mà tôi đã quen thuộc.


Jack Ecolodge, một homestay nằm giữa Lâm Thượng, tuy mang vẻ ngoài truyền thống của nhà sàn người Tày nhưng lại mang đến sự tinh tế, hiện đại và thoải mái như một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Từ khoảnh khắc đầu tiên bước vào, tôi đã cảm thấy quen thuộc, như thể nơi đây là một phiên bản thu nhỏ của những căn chung cư mới xây hay khách sạn ven biển sang trọng mà tôi từng ở. Tuy nhiên, Jack Ecolodge vẫn giữ được nét đặc trưng của văn hóa địa phương, không làm mất đi sự gần gũi với môi trường thiên nhiên và bản sắc dân tộc.


Bước vào căn bếp, tôi cảm nhận ngay sự khác biệt. Không còn hình ảnh của bếp củi, của những vật dụng truyền thống mà người Tày thường sử dụng, thay vào đó là một căn bếp hiện đại như trong những căn hộ cao cấp. Các thiết bị bếp được sắp xếp gọn gàng, tiện lợi, mọi thứ đều sáng bóng và mới mẻ. Nó khiến tôi có cảm giác như đang ở trong căn hộ của mình giữa lòng thành phố, nơi mà mỗi buổi sáng tôi pha cà phê bằng máy pha hiện đại và chuẩn bị bữa ăn nhanh gọn. Đối với một cô gái thành thị như tôi, sự tiện nghi này khiến tôi thấy được an ủi, như một sự kết nối với cuộc sống quen thuộc của mình.


Tiếp đến là khu vực bàn ghế ăn. Không gian này làm tôi liên tưởng đến những nhà hàng nhỏ xinh ở Sapa, Hội An hay Đà Lạt – những nơi tôi từng ghé qua trong các chuyến du lịch trước đây. Mọi thứ đều được bài trí một cách tỉ mỉ và khéo léo, từ chiếc bàn gỗ mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, cho đến những chiếc ghế được thiết kế gọn gàng và thoải mái. Không gian này vừa gợi nhớ đến sự hiện đại, vừa giữ được nét truyền thống với những chất liệu tự nhiên. Một điểm nhấn đặc biệt là các góc bàn uống trà, ăn uống được đặt trên mặt hồ, mang đậm phong cách kiến trúc của miền xuôi – nơi nước và thiên nhiên luôn được ưu ái trong thiết kế. Toàn bộ homestay là một nhà sàn nhỏ được xây dựng trên mặt hồ cá, xung quanh là dòng nước trong lành chảy róc rách, tạo nên cảm giác thư giãn tuyệt đối.


Nhà vệ sinh của Jack Ecolodge là một điều bất ngờ tiếp theo. Khi bước vào, tôi có cảm giác như đang đi vào một khu resort cao cấp. Phòng nhỏ nhắn nhưng được thiết kế rất thông minh với hệ thống ánh sáng dịu nhẹ và cây xanh tươi mát. Mọi chi tiết, từ những vật dụng bằng đá cho đến cách bố trí đèn, đều mang đến cảm giác sang trọng. Dù là nhà vệ sinh dùng chung nhưng chất lượng thì không kém cạnh những khu nghỉ dưỡng 5 sao. Số lượng nhà vệ sinh cũng đủ để phục vụ một nhóm khách đông đến 10 người, điều mà ít homestay nào có thể làm tốt như vậy.


Vào đến phòng ngủ, tôi cảm nhận rõ hơn sự kết hợp khéo léo giữa hiện đại và truyền thống. Phòng ngủ trong Jack Ecolodge vẫn giữ nguyên nét kiến trúc của nhà sàn người Tày nhưng được chia nhỏ, ngăn cách để đảm bảo tính riêng tư. Các phòng đều được trang bị điều hòa, mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu. Cách thiết kế gợi tôi nhớ đến những căn phòng nhỏ xinh ở Hội An, nơi tre nứa được sử dụng khéo léo để tạo ra sự gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn không kém phần tinh tế. Tuy nhiên, với chiều cao 1m55, tôi vẫn cảm thấy không gian hơi nhỏ bé khi chân thò ra ngoài giường và thi thoảng còn bị va đầu vào khung cửa ban công. Tôi tự hỏi, những du khách nước ngoài cao lớn hơn sẽ cảm thấy thế nào khi ở đây. Nhưng dù sao, sự nhỏ nhắn ấy lại phù hợp với người Việt như tôi, mang đến cảm giác ấm cúng và gần gũi.


Một điều đáng khen nữa là không gian ở Jack Ecolodge vô cùng yên tĩnh và thoáng đãng. Phòng tuy nhỏ nhưng nhờ cửa kính lớn ở hai bên, tôi có thể nhìn ra vườn cây xanh mướt và hồ cá xinh xắn bên ngoài. Cảm giác thư giãn và yên bình bao trùm toàn bộ không gian, khiến tôi chợt ao ước có một ngôi nhà nhỏ như thế này giữa thiên nhiên, nơi tôi có thể thoải mái nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi hiện đại.


Một điểm cộng lớn khác là sự sạch sẽ của homestay. Suốt cả thời gian ở đây, tôi không hề bị muỗi hay côn trùng làm phiền, điều mà tôi rất lo lắng khi đến những nơi gần rừng núi. Bí quyết có lẽ là do cô chủ thường xuyên xịt tinh dầu quế trong các phòng, kết hợp với sự sạch sẽ và gọn gàng mà cô luôn giữ gìn. Nếu có dịp quay lại Lâm Thượng cùng gia đình, chắc chắn tôi sẽ chọn Jack Ecolodge làm nơi lưu trú bởi tôi biết, bọn trẻ sẽ không phải lo lắng về muỗi đốt hay côn trùng làm phiền.

Không chỉ là nơi nghỉ dưỡng hiện đại, Jack Ecolodge còn giữ nguyên sự hồn hậu, hiếu khách của người Tày. Cô chủ nhà lúc nào cũng nhiệt tình và thân thiện, không mang nét thương mại như nhiều nơi khác. Chính điều này khiến tôi cảm thấy gần gũi và ấm áp, như thể mình đang ở trong chính ngôi nhà của người thân. Tôi tin rằng, nhiều du khách sẽ quay lại nơi này cũng vì sự chân thành và hiếu khách ấy.


Cuối cùng, không gian xung quanh Jack Ecolodge cũng rất đáng để khám phá. Chỉ cần bước ra ngoài, tôi có thể nghe tiếng suối chảy róc rách và cảm nhận sự mát lành của hàng tre xanh. Đi thêm một đoạn là có thể đến thác nước và bản Nà Kèn, nơi mang đến cho tôi những buổi chiều thư giãn chạy bộ và hít thở không khí trong lành.


Ban đầu tôi chỉ định ở hai ngày, nhưng cảm giác thư giãn và yên bình nơi đây đã níu chân tôi lâu hơn. Jack Ecolodge, với sự kết hợp hoàn hảo giữa hiện đại và truyền thống, đã làm tôi cảm thấy như đang ở chính ngôi nhà của mình.

5. Thăm thác Nặm Chắn 

Ngay ngày đầu tiên tới Lâm Thượng, chúng tôi đã đi thăm thác Nặm Chắn. Đây là con thác lớn nhất của xã mà ai cũng phải ghé thăm. Thác Nặm Chắn, nằm sâu trong xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, là một điểm đến khiến tôi không khỏi bất ngờ bởi vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ. Khi đến nơi, tôi phải băng qua con đường rừng dài, những lối đi nhỏ hẹp ven suối, được bao quanh bởi cây cối xanh mát. Dòng thác cao khoảng 40m, đổ xuống mạnh mẽ, tung bọt trắng xóa. Âm thanh thác nước vang vọng giữa núi rừng tạo cảm giác vừa hùng vĩ vừa yên bình. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là làn nước trong vắt, mát lạnh từ trên cao chảy xuống những bậc đá tự nhiên, tạo thành các hồ nhỏ ở chân thác. Tôi không chỉ dừng lại để chiêm ngưỡng mà còn hòa mình vào dòng nước mát rượi, cảm nhận sự tươi mát bao trùm cả cơ thể. Khung cảnh xung quanh thác còn giữ nguyên nét nguyên sơ, rất ít dấu vết của sự can thiệp từ con người, điều này làm tôi thấy trân trọng hơn vẻ đẹp tự nhiên và tĩnh lặng của vùng đất này. Trải nghiệm ở thác Nặm Chắn thực sự khiến tôi cảm thấy được gần gũi với thiên nhiên và giúp tôi thoát khỏi nhịp sống hối hả. Nếu bạn nào muốn cắm trại hay picnic, thác là địa điểm lí tưởng vì chưa bị thu phí. Cạnh suối thác lại có nhiều chòi, sạp cho bạn nằm nghỉ, dựng lều. Bạn cũng hoàn toàn có thể làm chuyến sinh tồn vì ở đây có một thiên đường rau rừng, cá suối và nước suối thì trong vắt.




6. Trekking núi Tông Lăm

Chỉ sau vài ngày ở Dũng Phiêu Homestay, chúng tôi đã bắt đầu chuyến trekking đầu tiên và đầy thách thức. Khi nghe chị chủ homestay giới thiệu về cảnh đẹp của trang trại măng trên núi, chúng tôi quyết định lên đường mà không suy nghĩ nhiều, giống như "bọn điếc không sợ súng". Ban đầu, tôi định mặc quần áo ngắn và đi dép lê, nhưng sau cùng lại chọn đi ủng và mặc quần áo dài. Đây là quyết định sáng suốt vì con đường đầy dốc cao, bùn lầy, và những con suối vắt ngang qua rừng cây rậm rạp.

Chuyến đi này không hề dễ dàng, và chúng tôi phải có người dân bản địa dẫn đường để tránh bị lạc. Từ lúc chạy xe máy cho đến khi leo bộ, hành trình dài hơn chúng tôi tưởng. Người dân nói rằng chỉ mất một tiếng nhưng thực tế, chúng tôi mất tới hai tiếng để lên đỉnh núi. Nếu bạn định đi, hãy chuẩn bị dành cả một ngày cho hành trình này. Sau khi leo lên tới lán, chúng tôi nấu cơm tại trang trại, rồi tiếp tục leo lên đỉnh và trở về vào buổi chiều. Dù có kinh nghiệm leo núi, tôi vẫn cảm thấy rã rời vì đoạn đường đầy đất đá, đặc biệt là vào những ngày mưa đường đi rất trơn trượt.

Dù vậy, chuyến đi vẫn rất đáng giá. Tôi ấn tượng với người dân địa phương, những người khai thác măng trong rừng và vận chuyển hàng tấn măng về bằng con đường gian nan này. Nếu bạn chịu khó khám phá, bạn có thể hái những cây măng tươi hoặc bắt những con đuông tre béo ngậy vào mùa thu, giữa tháng 10. Đây cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi quyết tâm thực hiện hành trình này.

Điểm đặc biệt khác là trên đường đi, cảnh quan thiên nhiên đẹp như tranh vẽ dần mở ra. Từ những cánh đồng mênh mông, nhà sàn của người Tày đến dòng suối trong veo len lỏi qua những rặng cây cọ, tất cả tạo nên một bức tranh hoàn hảo. Cảnh sắc gợi tôi liên tưởng đến vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang, đặc biệt là khu vực Thôn Tha hay xã Phương Thiện. Nhưng điều kỳ diệu nhất là khi lên đến đỉnh núi, một bãi cỏ rộng như sân golf trải dài trước mắt, với những khóm rau dớn xanh mát và trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ. Không gian khoáng đạt và gió mát lành từ núi cao thổi qua khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng thư thái. Đây là địa điểm lý tưởng để cắm trại, chỉ tiếc là chúng tôi quên mang theo lều trại. Nếu có lều và đồ nướng, việc cắm trại qua đêm trên đỉnh núi sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời.





Chuyến trekking này không chỉ mang lại những thử thách mà còn giúp chúng tôi khám phá vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của thiên nhiên.

7. Khám phá các điểm gần Lâm Thượng: chợ đá quý, hệ thống hang động, homestay trong Lục Yên 

💠 Chợ đá quý Lục Yên 

Lục Yên là vùng đất của đá quý. Chắc sẽ thiếu sót nên không chiêm ngưỡng đá nơi đây. Do vậy, chúng tôi đã dành thêm thời gian thăm chợ đá quý. Chợ nằm ở trung tâm thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên, cách Lâm Thượng 15 - 20 km. Đường dễ đi và cũng dễ tìm do có biển chỉ dẫn. Chợ mở từ 8 -12h sáng. Khi đến chợ vào buổi sáng, tôi cảm nhận ngay không khí nhộn nhịp nhưng gần gũi của một chợ phiên miền núi, nơi người dân địa phương và các thương lái từ nhiều nơi cùng tụ họp để buôn bán những viên đá quý lấp lánh. Tôi bị cuốn hút bởi các quầy hàng trưng bày đủ loại đá quý như ruby, sapphire, thạch anh với đủ màu sắc và kích cỡ. Những viên đá quý thô, chưa qua chế tác có vẻ ngoài giản dị nhưng lại ẩn chứa vẻ đẹp tự nhiên, đầy sức hút. Cảm giác khi tôi cầm trên tay một viên đá, ngắm nhìn từng góc cạnh của nó dưới ánh sáng, thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Những người bán hàng, phần lớn là người dân địa phương, rất nhiệt tình giới thiệu và giải thích về từng loại đá. Họ không chỉ bán hàng mà còn kể cho tôi nghe về nguồn gốc và giá trị của chúng, khiến câu chuyện trở nên sinh động và đầy ý nghĩa. Ngoài việc ngắm nhìn và mua sắm, tôi còn có cơ hội khám phá thêm về nghề khai thác và chế tác đá quý, một trong những nghề truyền thống của vùng đất Lục Yên. Chợ đá quý Lục Yên không chỉ là nơi buôn bán mà còn là điểm đến để tôi hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống của người dân miền núi Yên Bái. Trải nghiệm này không chỉ giúp tôi khám phá thêm về đá quý mà còn để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ về con người và văn hóa nơi đây.


🏞️ Hệ thống hang động 

Lục Yên cũng rất nhiều hang động đẹp. Huyện Mai Sơn có hang Bó Mạ. Xã Khai Trung có quần thể hang Khai Trung. Vì sát với Lâm Thượng nên không đi không được. Khi tôi đến thăm hệ thống hang động Khai Trung ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên, Yên Bái, tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí của nơi này. Những hang động ở đây không chỉ đơn thuần là những khối đá vôi được hình thành qua hàng triệu năm mà còn ẩn chứa giá trị văn hóa và lịch sử của các dân tộc địa phương. Khi bước vào các hang động, tôi cảm nhận ngay không gian tĩnh lặng, cùng với những nhũ đá đa dạng từ lớn đến nhỏ, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Những hình thù độc đáo của nhũ đá khiến tôi như lạc vào một thế giới thần tiên, nơi mà mỗi góc khuất đều mang lại cảm giác mới mẻ và bất ngờ. Điều làm tôi thích thú không chỉ là những cảnh đẹp mà còn là không khí mát mẻ và sự thân thiện của người dân nơi đây. Tôi đã có cơ hội thưởng thức món vịt Lâm Thượng đặc sản, một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ, và cũng không quên chụp hình bên những cánh đồng hoa rực rỡ sắc màu.

🏘️ Homestay khác trong Lục Yên 

Trong chuyến đi trải nghiệm, chúng tôi đã có dịp ghé thăm một homestay khác ở gần đó, cách Lâm Thượng khoảng 10km, là Mận Homestay. Homestay này nằm gần thị trấn Yên Thế hơn và đã hoạt động từ lâu, thu hút khá đông du khách nước ngoài. Chúng tôi tình cờ đến đây với mong muốn mở rộng thêm cái nhìn về cách làm du lịch của người dân Lục Yên, cũng như so sánh với Lâm Thượng.

Chủ homestay rất thân thiện, đón tiếp chu đáo. Ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát, với ao hồ và vườn hoa xanh mát trước nhà. Một điểm đặc biệt tại đây là cây sung lớn nằm cạnh hồ, tạo nên không gian cổ kính và gần gũi thiên nhiên. Tuy nhiên, khu vực quanh Mận Homestay không có nhiều homestay khác và đường xá khá nhỏ, bụi bặm. Điều này khiến Mận Homestay không có lợi thế bằng các homestay ở Lâm Thượng, nơi có hệ thống homestay dày đặc và đường xá sạch sẽ, thuận tiện hơn.

8. Công việc ở Lâm Thượng 

 Lâm Thượng, Yên Bái thực sự là một thiên đường dành cho những ai yêu thích sáng tạo nội dung, từ quay video, chụp ảnh cho đến viết sách hoặc báo. Nơi đây mang một không gian yên tĩnh, phong cảnh đẹp tự nhiên, rất thích hợp cho các bạn muốn ghi lại những thước phim về cuộc sống đồng quê. Lâm Thượng vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ, không bị đô thị hóa, cùng với không gian rộng lớn dễ dàng thuê với giá rẻ, là nơi lý tưởng để lập thành các kênh YouTube về cuộc sống nông thôn. Bên cạnh Lâm Bình của Tuyên Quang, Lâm Thượng cũng là một địa điểm mà các nhà sáng tạo nội dung không thể bỏ qua.

Trong chuyến đi gần đây, mình đã được anh chủ homestay kể về một nhóm bạn trẻ từ Hà Nội lên thuê đất để quay video về cuộc sống đồng quê. Họ thuê một bạn nữ địa phương xinh đẹp và thường xuyên lên đây quay các cảnh sinh hoạt. Thực tế, các hoạt động như làm đất, xây nhà hay trồng trọt đều do anh chủ thực hiện, còn nhóm bạn thì dựng lại các cảnh lao động. Các video tuy không nhất thiết phải đạt nhiều lượt xem, nhưng lại thể hiện tình yêu thiên nhiên và mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống.

Ngoài ra, chụp ảnh ở Lâm Thượng cũng vô cùng thuận lợi, chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp. Không gian với đồi núi, rừng cây, và khung cảnh hoang sơ giống như Hà Giang, đảm bảo bạn sẽ có những bức ảnh để đời mà không cần phải chỉnh sửa nhiều. Nơi đây quả thực là một điểm đến lý tưởng cho các bạn đam mê sáng tạo.

9. Ăn uống tại Lâm Thượng 

Lâm Thượng, một vùng đất yên bình thuộc tỉnh Yên Bái, không chỉ thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những trải nghiệm ẩm thực đặc sắc. Khi đến đây, việc ăn uống là một yếu tố quan trọng để bạn có thể cảm nhận trọn vẹn văn hóa và đời sống địa phương. Tuy nhiên, do vị trí địa lý ở vùng cao, việc mua sắm và chuẩn bị thức ăn tại Lâm Thượng cũng gặp không ít khó khăn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá cách ăn uống hợp lý tại đây và những món ăn độc đáo của người Tày ở Lâm Thượng.

 Ăn uống tại homestay hoặc nhà dân

Khi đến Lâm Thượng, cách tiện lợi nhất để ăn uống là dùng bữa tại các homestay hoặc nhà dân. Việc này không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, mà còn mang lại trải nghiệm ẩm thực đậm chất địa phương. Việc tự đi chợ mua thực phẩm ở đây có thể khá phiền toái. Các phiên chợ chính chỉ diễn ra vào sáng thứ năm hàng tuần, và ngoài thời gian này, bạn sẽ khó tìm thấy chợ bán đầy đủ thực phẩm tươi sống. Các cửa hàng tạp hóa cũng không mở cửa liên tục và chủ yếu bán những mặt hàng gia dụng, quần áo. Để mua đủ thực phẩm cho bữa ăn, bạn có thể phải đi xa hơn, đến chợ Tân Lĩnh. Nếu bạn có ý định tự nấu ăn, lời khuyên là nên mua đủ thực phẩm cho vài ngày mỗi lần để tiết kiệm công sức. Một thực tế cần lưu ý là giá cả ở Lâm Thượng không hẳn rẻ. Các quán ăn sáng như bún, phở, bánh mì chỉ hoạt động vào buổi sáng và đóng cửa từ khoảng 10 giờ trở đi.

 Nếu bạn chọn ăn tại các homestay hoặc nhà dân, bạn sẽ không phải lo lắng về việc tìm đồ ăn. Thực phẩm ở đây thường là rau sạch được trồng tại vườn, và các món ăn được nấu rất hợp khẩu vị. Tuy nhiên, bạn nên hỏi giá trước khi đặt ăn, vì một bữa ăn ở homestay thường có giá từ 150.000 đến 200.000 đồng. Nếu đặt ăn theo tháng, giá có thể giảm đi, nhưng vẫn có thể khiến bạn tốn kém.

Ẩm thực đặc trưng của người Tày và Lâm Thượng

Lâm Thượng là nơi sinh sống chủ yếu của người Tày, vì vậy ẩm thực ở đây mang đậm nét văn hóa và phong vị của dân tộc này. Mỗi món ăn đều chứa đựng tinh hoa ẩm thực truyền thống, với những nguyên liệu tươi ngon từ thiên nhiên và cách chế biến khéo léo. Một số món ăn đặc trưng của Lâm Thượng mà bạn không nên bỏ lỡ gồm:

- Các món từ măng

Măng là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực của người dân Lâm Thượng. Măng mai, loại măng mọc tự nhiên trong rừng, được coi là ngon nhất. Dù chỉ đơn giản là luộc hay xào, măng mai vẫn giữ được độ giòn và vị ngọt tự nhiên. Người Tày còn chế biến măng theo nhiều cách khác nhau, như làm nộm, muối chua với ớt, nấu canh hoặc phơi khô để dự trữ. Hương vị của măng không chỉ thơm ngon mà còn mang lại cảm giác tươi mát, thanh khiết từ rừng núi. Măng tươi có từ tháng 7 - 10. Thời gian còn lại, mọi người dùng măng khô.

- Các món gói lá

Một nét đặc trưng khác trong ẩm thực người Tày là các món gói lá. Ví dụ như món hoa chuối gói lá, được chế biến bằng cách trộn hoa chuối với thịt và gia vị, sau đó gói trong lá chuối hoặc lá vả và đem hấp. Món ăn này không chỉ có hương vị độc đáo mà còn nổi bật bởi sự kết hợp tinh tế giữa vị ngọt của thịt và vị thanh mát từ lá. Gia vị được người Tày sử dụng khéo léo, tạo nên hương thơm và vị ngon rất riêng mà du khách khó lòng quên được.

- Các món nấu với trám

Trám là một loại quả rừng phổ biến ở vùng cao, có hai loại chính là trám đen và trám trắng. Người Tày tại Lâm Thượng thường sử dụng trám trắng trong các món ăn hàng ngày. Dù chỉ đơn giản là nấu canh hoặc kho với thịt, nhưng vị đậm đà, hơi chát của trám lại làm món ăn trở nên đặc biệt. Khi cắn vào trám, ban đầu có cảm giác đắng nhẹ nhưng sau đó lại ngọt bùi. Hương vị độc đáo này, kết hợp với các gia vị như quế và hồi, đã tạo nên một món ăn đậm chất núi rừng, khó lòng cưỡng lại. Cũng như măng, trám chỉ có vào mùa thu.

- Vịt bầu và cá bỗng Lâm Thượng

Vịt bầu và cá bỗng cũng là hai đặc sản nổi tiếng của Lâm Thượng. Vịt bầu ở đây được đánh giá cao bởi thịt thơm, mềm và ngọt tự nhiên. Cá bỗng thì nổi tiếng với thịt chắc, thường được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nướng hoặc chiên. Đây là hai món ăn mà bất cứ ai đến Lâm Thượng đều nên thử qua để cảm nhận rõ hơn về sự phong phú của ẩm thực địa phương.

 Kết luận

Lâm Thượng không chỉ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, mà còn là nơi tuyệt vời để khám phá văn hóa ẩm thực độc đáo. Với những món ăn truyền thống của người Tày, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức hương vị nguyên sơ, đậm chất núi rừng và phong vị dân dã. Dù bạn chọn ăn uống tại homestay hay tự mình nấu nướng, chắc chắn rằng ẩm thực Lâm Thượng sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm khó quên.

Nếu có dịp ghé thăm vùng đất này, đừng quên thưởng thức vịt bầu, cá bống, và những món từ măng hay trám – tất cả đều là những món ăn vừa ngon vừa lạ, mang đậm dấu ấn của Lâm Thượng. Thực sự, nếu chưa từng nếm thử ẩm thực nơi đây, chuyến hành trình của bạn sẽ thiếu đi một phần quan trọng trong việc khám phá và trải nghiệm vùng đất yên bình này.

10. Đánh giá chung về Lâm Thượng dành cho dân du mục

Lâm Thượng là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên và cuộc sống giản dị, yên tĩnh, đậm bản sắc dân tộc mà vẫn đầy đủ wifi. Đặc biệt phù hợp với dân du mục số, những người muốn viết sách, chụp ảnh hay làm YouTube. Với chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng cho một tháng ở homestay, đây là lựa chọn rất hợp lý. Tuy nhiên, Lâm Thượng thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí sôi động, nên chủ yếu chỉ có dịch vụ cơ bản tại các homestay, không phù hợp cho những ai thích sự náo nhiệt.

📰 Travel blogger Thu Hằng - Đi tới nơi mình thích và làm điều mình yêu. 📞 Liên hệ đặt tour và truyền thông du lịch: 📍Facebook: www.facebook.com/dicungthuhang 📍Youtube & Tiktok: ĐI CÙNG THU HẰNG 📍Blog: thuhangheathy.blogspot.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lịch khám phá tại Quảng Bình (7N6Đ) (bản tóm tắt)

Phượt Đông Tây Trường Sơn giữa mùa mưa bão (chuyến đi với những cơn mưa)

LỊCH TRÌNH KHÁM PHÁ VÙNG CAO ĐÔNG BẮC (Lạng Sơn - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang) (9N8Đ)