Phượt Đông Tây Trường Sơn giữa mùa mưa bão (chuyến đi với những cơn mưa)

 1. Chuẩn bị 

   - Tinh thần: mình quyết định đi khi đang tận hưởng những ngày êm đềm ở Gia Lai. Nếu cứ ở đây tới mãi cũng không sao. Nhưng máu phượt cứ dâng lên bất ngờ làm mình lại muốn lên đường. Và thử thách lần này hơi cân não: phượt đường Tây Trường Sơn giữa mùa mưa bão. Đông Tây Trường Sơn là cung đường vắng vẻ, toàn rừng núi, gần biên giới, nhiều đèo dốc, có khi 100km o có nhà dân. Mùa mưa bão thì khỏi nói, mưa to, dễ có lũ, sạt đất,...Con gái 1 thân 1 mình cũng kinh. Nỗi sợ dâng lên cùng niềm phấn khích. Hai cái đó đánh nhau mãi trong đầu, cuối cùng phấn khích thắng. Mình luôn nhẩm câu nói: thà chết trong nụ cười còn hơn sống trong nước mắt. Cứ lên đường thôi.

    - Tìm hiểu: mình điện thoại cho những người đi trước hỏi kinh nghiệm, lên youtube xem các video review, lên cả các nhóm trên facebook hỏi nữa. Nhóm phượt xuyên Việt comment rất nhiều, cho mình kinh nghiệm và nhiều lời động viên. Xin cảm ơn! Tuy nhiên, đọc xong, mình thấy lo hơn. 😊

    - Tìm người đồng hành: vì lo nên mình đăng bài tìm người đi cùng. Những lần phượt trước, mình toàn đi 1 mình vì không tìm được ai. May quá lần này tìm được 1 anh bạn cùng tuổi đang đi phượt xuyên Việt, khớp thời gian, lộ trình và tính cách luôn. Thật là may quá! Cảm ơn vũ trụ!

   - Đồ đạc: mình mang 2 bộ quần áo, bột giặt, áo mưa, kính mũ, vật dụng vệ sinh cá nhân + thuốc, điện thoại + sạc + sạc dự phòng, giấy tờ, lều.

    - Tập thể dục đều đặn cho tới ngày đi.

2. Lên đường 

2.1. Ngày đầu tiên (Đắk Đoa, Gia Lai - Ia H'Drai, Kon Tum. 80km)

Chúng mình khởi hành từ Đắk Đoa (Gia Lai). Gia Lai và Kon Tum mưa gió phập phù. Nhưng chúng mình vẫn quyết định lên đường. Ướt giày, ướt áo chứ sao ướt được tinh thần dân chơi (dù là lạnh quá là lạnh). Có đoạn mưa to quá, chúng mình phải trú tới 30p, vừa ăn sầu riêng vừa tán phét. Có bạn đi cùng dù sao cũng vui và đỡ lạnh hơn mấy lần đi 1 mình. Xe đi bon bon (xe Min khù khờ chỉ nổ điếc tai thôi chứ đi êm ái, bám đường cực) qua những ngọn núi mây phủ xa xăm. Cả 1 trời mây sau mưa cứ thong dong phơi bày hết làn da nõn nà. Còn mình thì há mồm ra vì đẹp. Chưa hết bàng hoàng vì mây núi, chúng mình lại có dịp tròn mắt vì độ bát ngát của hồ Sêsan. Đôi mắt của Kon Tum là đây. Mưa lớn làm nước hồ Sêsan thêm ăm ắp, soi bóng những cuộn mây vấn vương đồi núi ☁️. Nơi đây còn có làng chài nổi tiếng cùng công trình thủy điện Sêsan. 

Rời Sêsan trong sự tiếc nuối, chúng mình đi thẳng tới đường Đông Tây Trường Sơn. Cung đường huyền thoại bắt đầu được chinh phục. Đoạn Gia Lai tới Kon Tum nhìn chung khá đẹp. Đường xen kẽ giữa những đèo dốc bạt ngàn rừng núi với những khu dân cư. Trời tối quá sớm. 6h hơn mà không gian đã mờ mịt. Chúng mình cố gắng vượt bóng tối tới thị tứ HDrai. Những khu dân cư ở đây đã "Kinh hóa" hết rồi. Toàn nhà, món ăn và người Kinh thôi. Mọi thứ dường như là 1 bản sao chép đắt đỏ của miền Bắc. Hiếm thấy 1 ngôi nhà gỗ Tây Nguyên nào cả. Chúng mình kết thúc ngày đầu tiên ở 1 nhà nghỉ, chuẩn bị kế hoạch cho ngày thứ 2 "thanh toán" ngã ba Đông Dương và khu bảo tồn Ngọc Linh.

2.2. Ngày thứ 2 phượt Đông Tây Trường Sơn (Ia H'Drai, Kon Tum - Tu Mơ Rông, Kon Tum 180km)

Sáng mình đi dạo quanh thị tứ của huyện Ia H'Drai. Đây là nơi mới xây dựng với đường xá, cơ sở vật chất đẹp như trong thành phố. Bao xung quanh thị tứ là không gian trời mây non nước rất hữu tình. Cảm giác vắng lặng, êm đềm, hoang sơ ôm ấp những con đường trải nhựa còn mới. Chắc chắn rồi đây sẽ là 1 điểm du lịch, checkin mới trong tương lai. 

10h chúng mình mới xuất phát. May mắn là ban ngày trời đẹp, không mưa nên chuyến đi có nhiều ảnh đẹp. Con đường Tây Trường Sơn vẫn hấp dẫn vô cùng với những đồi núi trập trùng. Đặc biệt có đoạn qua rừng già, chúng mình được ngắm những cây bằng lăng cổ thụ - một loại cây với thân dưới nổi cuồn cuộn như cơ bắp. Theo lịch, chúng mình sẽ tới checkin mốc ngã ba Đông Dương - nơi 1 con gá gáy ba nước cùng nghe thấy. Từ đây, mình có thể nhìn được quang cảnh Lào và Campuchia - 2 nước láng giềng thân thiết. Thân tới độ chả cần rào giậu biên giới kĩ càng, có những đoạn chỉ rào bằng mấy cây tre nứa.

Sau đó, chúng mình mua đồ chuẩn bị camping trên khu bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum). Đường lên đèo dốc liên tục nhưng đẹp hết ý, nhất là khi hoàng hôn buông xuống. Song mưa to làm cả 2 phải từ bỏ ý định và chui vào nhà nghỉ ở Tu Mơ Rông. Hi vọng mai có thể làm được vụ cắm trại như mong ước. Còn hiện tại, mình phải dừng viết để sấy quần áo thôi.

2.3. Ngày thứ ba (Tu Mơ Rông, Kon Tum - Nam Giang, Quảng Nam: 200km)

Đợi chờ mãi cơn mưa mới tạnh nhưng không gian xung quanh vẫn mịt mù khói sương như trong tranh thủy mạc. Đó là hình ảnh Kon Tum mấy sáng hôm nay. Phi xe trong sương sớm, chúng tôi vẫn mặc áo mưa sẵn sàng chờ đón cơn mưa tiếp theo. Vậy mà vẫn giống như ngày hôm qua, nắng vẫn xanh ươm và mây vẫn bồng bềnh. Xuất phát từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông, chúng mình đi xuyên qua khu bảo tồn Ngọc Linh của Kon Tum. Cả 2 đều không tưởng tượng được trước những điều chờ đợi mình.

Điều thứ nhất là những đèo dốc uốn lượn chả kém gì Tây Bắc. Có nhiều khúc cua gấp, đường hẹp, dốc cao lại thêm bùn lầy của Tây Nguyên. Nhiều đoạn đề biển: Nơi sụt lở nghiêm trọng. Lưu ý dành cho ai được ngắm nghía vườn Ngọc Linh là hãy luyện tay lái đã, nếu không muốn vồ ếch hay tắt máy dắt bộ. 

Điều thứ hai là cảnh vật và văn hóa người dân ở đây tuyệt vời quá sức tưởng tượng. Ta phải nói là nó đẹp 😍. Nơi đầu tiên chúng mình dừng chân chụp hình, nghỉ ngơi là Măng Ri - một xã thuộc huyện Tu Mơ Rông. Nơi đây có khí hậu mát mẻ. Đứng trên cao nhìn xuống, xã Măng Ri như hình một chiếc chảo lớn, 4 bề được bao quanh bởi dãy núi Ngọc Linh. Những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng đồi, đan xen với những ngôi nhà, những kho thóc bé xinh xắn của người dân. Điểm thứ hai là xã Ngọc Linh, thuộc huyện Đăk Glei, Kon Tum. Chưa bản làng nào của Tây Nguyên mà tôi thấy đẹp như nơi đây. Ruộng bậc thang phủ kín từ đầu tới chân núi, lại trải dài liên tiếp nhiều ngọn núi cao. Dưới chân núi là con suối rộng, cuồn cuộn dòng nước trong xanh. Con suối như một niềm vương vấn Ngọc Linh khi nó chảy xuyên suốt cả khu bảo tồn, bày ra 1 cảnh quan đá, thác, nước kì vĩ. Thiên nhiên chưa bị tác động. Những ngôi nhà và ruộng nương gần như chỉ điểm thêm làm thiên nhiên thêm sinh động. Một khung cảnh quá hùng vĩ và đậm bản sắc. Bạn tôi thì tiếc nhất chưa nhìn thấy củ sâm nào, có lẽ phải đi lối khác mới thăm được vườn sâm, còn lối của chúng tôi chỉ đi xuyên qua khu bảo tồn.

Rời khỏi Ngọc Linh, đi qua đèo Lò Xo trứ danh, chúng tôi dừng chân ở Nam Giang, Quảng Nam. Không khí nóng hơn hẳn song vẫn dễ chịu. Chọn được bãi cát thoai thoải gần sông, chúng tôi dựng trại, nấu cháo gà. Chào đón chúng tôi là cơn mưa rào tới tận 2 tiếng. Nồi cháo bị ướt hết, mãi mới nấu xong. Vậy mà ăn lại thấy ngon quá. Mưa tạnh, để lại 1 nền trời đầy sao cùng tiếng dế rả rích. Chúng tôi bước xuống sông tắm dù lúc ấy đã tối om. Cả dòng sông như ôm ấp những vì sao và chúng tôi vào lòng. Tuy mọi thứ ướt hết vì mưa song chúng tôi đều cảm thấy thật hạnh phúc. Một cảm giác dễ chịu khác hẳn sự gò bó trong nhà nghỉ. Nhắm mắt khép mi lại, mặc cho những vì sao trêu đùa, chúng tôi chìm vào giấc ngủ để mai sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu thú vị này.👍

2.4. Ngày 4 (Nam Giang, Quảng Nam - A Lưới, Thừa Thiên Huế: 172km)

Khởi hành trong 1 buổi sáng nắng rực rỡ, chúng tôi phấn khởi nghĩ rằng mưa không còn đuổi theo mình (song thực tế thì mưa còn to hơn gấp nhiều những hôm trước). 

Đường đi hôm nay có lẽ là cung đường đẹp nhất nhưng cũng hoang sơ nhất trong cả chặng. Chúng mình qua đoạn liên tiếp đèo dốc và những cánh rừng bạt ngàn. Hoang sơ nhất là đoạn từ Tây Giang tới A Lưới. Bởi đây là khu bảo tồn Sao La, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, người dân không được phá rừng, làm rẫy. May mắn đó làm rừng nơi đây phát triển tầng tầng tán tán như rừng nguyên sinh thời cổ đại - một vẻ đẹp quá hiếm hoi giữa thời đại này. Xen lẫn giữa cây lá là những thác nước thấm đẫm cơn mưa rào vừa qua. 

Cũng phải kể tới đời sống người dân. Trong tưởng tượng của mình những địa danh Nam Giang, Tây Giang, A Lưới đều vô cùng khó khăn. Nhưng đó là xa xưa thôi, giờ nó phát triển, đô thị hóa mạnh, có nơi còn hơn thành phố. A Lưới đã thành khu du lịch, phục vụ cho ăn chơi rồi. Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang đều xây dựng khu du lịch sinh thái hoặc du lịch cộng đồng. Một lí do nữa làm đời sống nhân dân đỡ khó khăn là Nhà nước cũng đền bù nhiều cho người dân trong quá trình làm thủy điện. Chúng mình có qua khu du lịch cộng đồng Tà Làng ở Tây Giang. Khu còn giữ được con suối trong vắt chảy qua và các căn nhà gỗ đậm bản sắc. Người dân tộc Cơ Tu đời sống khấm khá, nói được nhiều thứ tiếng. 

Hôm nay là ngày gặp 2 sự cố lớn nhất từ trước tới nay. 

- Xe không nổ được máy giữa đèo cao vắng vẻ.

- Tới Thừa Thiên Huế thì gặp mưa to như bão. May mắn là chúng mình đã trú ở trạm kiểm lâm A Tép và được các anh mời ăn. Tuy thế, mưa xong vẫn lạnh và bẩn khủng khiếp. 

Tối lạnh quá, chúng mình đành chui vào nhà nghỉ và ngủ như chết trong cơn mưa tiếp tục dồn dập ở ngoài. Mưa ơi mưa, sao cứ theo tao mãi vậy?!

2.5. Ngày 5 (A Lưới, Thừa Thiên Huế - Hướng Hóa, Quảng Trị: 170km)

Sáng nắng lại rực rỡ, dù tối qua mưa tầm tã. Không biết do khí hậu hay do vừa mưa xong mà cả A Lưới lẫn quãng đường vào Quảng Trị đều mát mẻ, dễ chịu, gió thổi nhiều hơn hẳn các nơi khác (chả gì Hướng Hóa, Quảng Trị lại xây dựng cánh đồng điện gió). Chúng tôi có buổi sáng nhàn nhã bằng việc đi bộ thưởng thức món bún hến của Huế. Sau đó, chúng tôi ghé vào khu sinh thái thác Anor. Tưởng không đẹp mà đẹp không tưởng. Điều này làm mình bất ngờ về 1 nơi trước đây từng được coi là địa phương nghèo, giờ đây đã trở thành khu du lịch bài bản. Theo cá nhân mình, đây là khu du lịch đáng đến bởi vẻ đẹp hoang sơ, trong lành của thác, bởi các giá trị văn hóa của đồng bào Pacô và về cách xây dựng du lịch cộng đồng rất chuyên nghiệp. Thác đẹp và sạch vô cùng. Dọc thác có những căn lều nhỏ để khách du lịch ngồi ngắm cảnh. Ta cũng có thể cắm trại ở đây qua đêm. Ở đây có nhiều homestay độc đáo theo phong cách Pa cô kết hợp nét hiện đại. Du lịch phát triển theo nguyên tắc bảo vệ môi trường, khách du lịch không dùng hóa chất công nghiệp để tránh ảnh hưởng nước đầu người. Chắc chắn đã có 1 đơn vị tổ chức du lịch chuyên nghiệp hướng dẫn cho người dân. Đây sẽ là nơi mình quay lại cùng người thân. À quên phải nói thêm giá vé vào cổng khu thác Anor là 5k, giá bún hến là 12k nhé, quá rẻ.

Rời Thừa Thiên Huế, chúng tôi đến Quảng Trị. Đây là địa điểm được đánh dấu nhiều nhất trên bản đồ nhưng khi tới, chúng tôi phải bỏ qua gần như hết, nơi thì không có gì thăm quan, nơi bị sạt lở, nơi thu phí vào không hợp lý. Chỉ có 1 điểm vào là cây cô đơn ở Hướng Hóa, nơi đây mát mẻ, có view trông xa sông và cánh đồng điện gió đẹp. Chụp xong vài phô, chúng tôi lại đi.

Chiều tối hôm nay không mưa nhưng xe lại bị hỏng giữa đường. Lần này hỏng nặng và chúng tôi đành ngồi sửa suốt cả 4h tới tận tối và đành nghỉ tại 1 quán nước. 

2.6. Ngày 6 (Hướng Hóa, Quảng Trị): 0 km

Buổi sáng ở Hướng Hóa thật mát mẻ và bình yên như ở Tây Nguyên. Điều này làm tôi bất ngờ, không ngờ vùng đất lửa lại có khí hậu tuyệt vời như vậy. Thế mà trước kia, "ếch ngồi đáy giếng", tôi luôn nghĩ Quảng Trị rất nóng. Cái nóng ấy chỉ ở mạn ven biển, còn sát biên giới không khí thay đổi hẳn. Tôi ở đây cả tối, cả trưa mà không ra giọt mồ hôi nào. Cũng nhờ hỏng xe ở đây mà tôi biết điều này. Nghe lời cô chủ quán, chúng tôi mang hương đi viếng mấy mộ liệt sĩ gần đó để mong được phù hộ, cả 2 liệt sĩ đều là đồng hương với tôi. Nơi đây thời chiến tranh chống Mĩ, người hi sinh rất nhiều. Cả bản lưu truyền những câu chuyện về sự hiển linh của linh hồn liệt sĩ. Có người đổ vật liệu xây dựng lên mộ liệt sĩ nên không thể nổ máy xe. Có người trông thấy bóng liệt sĩ ở cây ven đường. Các hộ kinh doanh ở đó đều thắp hương thường xuyên để mong làm ăn thuận lợi. Mảnh đất Quảng Trị đã thành mảnh đất tâm linh, nơi âm dương sống cùng. Cũng may, nhờ đi viếng liệt sĩ, tôi được biết nét độc đáo của bản làng Vân Kiều. Tuy cuộc sống ở miền biên giới khó khăn, vừa không trồng trọt được vừa bị kiểm soát an ninh chặt nhưng họ vẫn giữ cuộc sống yêu đời. Đặc biệt, họ rất coi trọng giữ gìn bản sắc dân tộc. Các ngôi nhà sàn bằng gỗ vẫn phổ biến, người dân vẫn mặc trang phục của dân tộc mình. Ở đây, còn có những ngôi nhà được các tổ chức thiện nguyện dựng làm nơi tái định cư cho đồng bào dân tộc. Một nơi cảnh quan đẹp, đậm bản sắc thế này mà không phải sát biên giới thì du lịch chắc chắn phát triển mạnh.

Tối xe mới sửa xong. Chúng tôi đành nghỉ lại thêm 1 đêm ở quán nước hôm trước. Hai bác chủ nhà rất tốt bụng, cho ở nhờ, lại còn nấu cho chúng tôi ăn. 

Bỏ qua những khó khăn vừa qua, buổi tối, chúng tôi đi tắm ở con suối gần đó. Không gian mát mà suối vẫn ấm áp, nước trong veo, đầy đá cuội, xếp thành bãi rộng lớn. Xung quanh, cây rừng che chở tạo 1 không gian bình yên, ấm áp. 

2.7. Ngày 7 (Hướng Hóa, Quảng Trị - Phong Nha, Quảng Bình: 138km)

Sửa xong xe, chúng tôi lên đường. Bắt đầu từ địa phận Quảng Bình, đường được gọi tên: Tây Trường Sơn. Con đường hôm nay đúng chất Trường Sơn với núi đá vôi trập trùng, hùng vĩ, với đèo dốc quanh co, với con đường bê tông bé xíu, chỉ đủ 1 oto qua.  Đặc biệt, phía từ đèo U Bò, đường vắng không 1 bóng nhà, chỉ thỉnh thoảng có 1 vài trạm kiểm lâm. Suốt dọc đường đi, những bảng thông báo cẩn thận sạt lở, đá rơi xuất hiện liên tục. Sự nguy hiểm được chứng minh bằng nhiều đoạn đường sạt lở vừa được khôi phục, đá văng tứ tung khắp nơi. Không gian hoang sơ, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng vượn gọi bầy trong tán lá rậm rạp. Sự hoang sơ này là do đây là địa phận vườn quốc gia Phong Nha, hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt, người dân không được sinh sống, trồng trọt. Bản đồ cũng không hề lưu tên địa danh, cây xăng nào ở khúc này. Mong các bạn đi sau sẽ cắm mốc thêm trên bản đồ, vd: đèo U Bò. Và chú ý là có 2 cây xăng trên chặng này nữa nhé: cây 1 ở km133, thuộc địa phận Tăng Kí, Quảng Bình. Cây 2 ở km h6105, thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, gần đồn biên phòng Làng Mô. Có cây xăng và trạm nạp xe điện nhé.

Sự cố đáng tiếc nhất trong quãng đường này là xe hỏng nặng. Nhưng may mắn, đúng lúc đó có biết bao người giúp đỡ. Đầu tiên là các anh trong trạm kiểm lâm 40 mời cơm, sau đó là 2 xe oto của một bác tài làm đường và của 1 đơn vị giáo viên giúp đưa xe máy về Phong Nha, tìm đồ sửa chữa. Thật là chặng đường nhớ đời. Tuy không tận hưởng hết vẻ đẹp phong cảnh Quảng Bình nhưng thật xúc động trước sự giúp đỡ của người dân Quảng Bình!

3. Tổng kết 

🌱 Sơ lược về hành trình

- Tổng số quãng đường: 940 Km

- Tổng thời gian: 7 ngày

- Chi phí: 

- Đoạn đường đẹp nhất: quá nhiều 

+ Đoạn qua xã Ngọc Linh thuộc đường đi xuyên qua khu bảo tồn Ngọc Linh

+ Nam Giang - A Lưới, qua khu bảo tồn Sao La

- Nơi người dân thân thiện  nhất: các anh kiểm lâm của khu bảo tồn Sao La ở A Tép (Thừa Thiên Huế) và các anh ở trạm 40 vườn quốc gia Phong Nha, Quảng Bình. 

- Những tình huống vui nhất: 

 Tắm đêm và nấu ăn trong mưa trên sông Thanh (huyện Nam Giang, Quảng Nam)

- Sự cố xe cộ và hành trình: 

+ Xe bị cháy máy giữa đèo cao vắng vẻ.

+ Rơi mất balo trong đó có toàn bộ quần áo, điện thoại, chìa khóa,...

+ Tới đâu cũng mưa. Ngày nào đi cũng dính mưa ướt hết. 

4. Bài học 

- Có nhiều điều trên sách vở làm ta thành "ếch ngồi đáy giếng". Chỉ có đi, chứng kiến tận mắt, nói chuyện với người dân thì ta mới biết chính xác được. Lí thuyết mãi là tình cảm gày gò, chỉ trải nghiệm mới là chân ái mà thôi.

- Mang ít đồ: Mang nhiều vừa cồng kềnh vừa mất thời gian để quản lý đồ đạc lại không còn sức để trải nghiệm 

- Chú ý thời tiết: Từ tháng 7 đến tháng 10 gần như cả ba miền đều mưa, thời gian đẹp nhất để đi là tháng 11 - hết tháng 6. Nếu gặp trời mưa, bão, sấm sét điều đầu tiên là tắt nguồn điện thoại và phải tìm chỗ trú ngay. Nếu đi giữa rừng mà gặp sấm sét nguy hiểm, thì tìm những cây thấp, nhỏ để trú vào gốc cây, không trú vào những cây cao. 

- Bạn đừng tin những lời dọa dẫm rằng: Đông Tây Trường Sơn hoang vu lắm, không một bóng người. Đoạn đường mình đi từ có rất nhiều thị trấn, thị tứ, thậm chí có nhiều nơi phát triển chả kém gì thành phố. Nhà dân vẫn rải rác. Chỉ có đoạn từ huyện Nam Giang của Quảng Nam tới A Lưới của Thừa Thiên Huế và đoạn địa phận Quảng Bình từ đèo U Bò tới Phong Nha là hoang vu (lí do hoang vu mình đã chỉ ở trên). Song điều này cũng làm mình thấy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh quá. Rồi chẳng có nơi nào là hoang sơ, đủ để kích thích ham muốn khám phá của mình nữa. 

- Muốn tìm 1 nơi thực sự hoang sơ thì chỉ còn cách đi thật sâu vào các bản làng, nơi giao thông khó khăn, ít người biết, như xã Ngọc Linh trong khu bảo tồn Ngọc Linh mà mình đã đi.

- Giúp người dân tộc phát triển không chỉ bằng cách trợ cấp thực phẩm cho họ mà còn có thể tư vấn, giúp đỡ họ mở homestay, farmstay, xây dựng 1 cộng đồng du lịch sinh thái ngay ở bản làng. 

- Hãy chuẩn bị một tâm hồn đẹp và một cặp kính màu hồng để lên đường. Để trong những tình huống xấu nhất, ta vẫn có thể mỉm cười. 

- Chuẩn bị xe thật kĩ càng, kiểm tra xăng dầu trước khi đi. Nếu xe không có bình xăng 10l trở lên thì phải mua 1 bình xăng xách theo.

- Người dân ở đâu cũng rất tốt. Nếu khó khăn đừng ngại xin giúp đỡ. Bạn sẽ không chỉ vượt qua khó khăn mà còn hiểu thêm về con người, văn hóa nơi đó.

- Người đi cùng vô cùng quan trọng. Chọn được người hợp mình, đặc biệt là vui vẻ, không cáu kỉnh trước khó khăn là chân ái của chuyến đi.



📰 Travel blogger Thu Hằng - Đi tới nơi mình thích và làm điều mình yêu.

📞 Liên hệ đặt tour và truyền thông du lịch:

📍Facebook: www.facebook.com/dicungthuhang

📍Youtube & Tiktok: ĐI CÙNG THU HẰNG

📍Blog: thuhangheathy.blogspot.com

📍Phone: (+84) 0915513475

📍Gmail: Thuhangheathy@gmail.com



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lịch khám phá tại Quảng Bình (7N6Đ) (bản tóm tắt)

LỊCH TRÌNH KHÁM PHÁ VÙNG CAO ĐÔNG BẮC (Lạng Sơn - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang) (9N8Đ)